Thiên nhiên có “ngôn ngữ kiến trúc” của riêng mình. Không một bản thiết kế, không một thợ thi công, chỉ với công cụ là gió, nước và thời gian, thiên nhiên đã tạo nên những công trình vĩ đại, đẹp đến mê hồn.
Cánh đồng muối Salarde Uyuni, Bolivia
Đây là cánh đồng muối lớn nhất thế giới nằm tại Bolivia. Hồ muối chứa khoảng 5 tỉ tấn, hàng năm người ta khai thác được 25.000 tấn. Vào tháng 11, nơi đây trở thành khu vực cư trú và sinh sản của nhiều loài chim hồng hạc, là điểm du lịch hấp dẫn với những khách sạn muối và các đảo muối được xây dựng.
Hố xanh khổng lồ, Belize
Hố sụt ngầm này nằm ngoài khơi Belize, thuộc vùng Trung Mỹ. Hố có hình tròn với đường kính 300m và chiều sâu 124m. Hố xanh khổng lồ (Great Blue Hole) đã được hình thành từ kỷ băng hà và được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
Khu núi đá The Wave, Mỹ
The Wave là một khu núi đá sa thạch nằm ở bang Arizona, Mỹ. Những người thích leo núi và ưa mạo hiểm thường tìm tới đây để thử sức chinh phục và nhiếp anh gia say mê nơi này vì những vân đá kỳ diệu, đầy màu sắc.
Quần đảo Socotra, Yemen
Quần đảo này bao gồm bốn đảo nhỏ nằm trên Ấn Độ Dương. Đảo lớn nhất cũng có tên là Socotra. Hòn đảo này rất vắng lặng và hiếm người nên hệ động thực vật nơi đây hầu như vẫn ở trạng thái nguyên sơ. Khoảng 1/3 những loài thực vật sống ở trên đảo là những loài cây độc đáo, không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên hành tinh. Hòn đảo Socotra được các nhà khoa học nhận định là vùng đất kỳ diệu nhất trái đất.
Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ
Đây là một địa danh lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ, được coi như một kỳ quan thiên nhiên hiếm có. Ba ngọn núi lửa sừng sững tạo nên phong cảnh kỳ vĩ cho Cappadocia. Những phiến đá khoáng xốp xung quanh rặng núi được gió và nước khéo tạc thành những mái vòm, những hố tròn, hình nón mà người dân gọi là những “ống khói nhà Trời”. Người dân địa phương nơi đây vẫn có thói quen đẽo đá làm nhà - những ngôi nhà đá, nằm sâu trong thân núi - một phong tục đã có từ thời kỳ đồ đá và còn được lưu giữ cho tới hôm nay.
Sa mạc Karakum, Turkmenistan
Mỏ khí ngầm nằm giữa sa mạc này trong quá trình khai thác đã bị sập và tạo thành chiếc hố khổng lồ. Để ngăn khí độc phát tán ra ngoài, người ta đã quyết định đốt lượng khí có trong mỏ, cho đến nay hố gas này vẫn tiếp tục cháy.
Hẻm núi Antelope, Mỹ
Đây là một trong những hẻm núi nổi tiếng nhất ở Mỹ, trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn và là thánh địa của những nhiếp ảnh gia. Hẻm núi này nằm giữa những khối núi đá đồ sộ được gió, nước và thời gian bào nhẵn.
Con đường của người khổng lồ, Ireland
Giant's Causeway – con đường của người khổng lồ là một công trình tự nhiên với những cột đá bazan khổng lồ được xếp ngay ngắn cạnh nhau (ước tính có khoảng 40.000 cột). Những cột đá này đã được hình thành cách đây khoảng 50-60 triệu năm bởi những hoạt động phun trào của núi lửa. Chiều cao trung bình của các cột đá lên tới 100m, đường kính khoảng 45cm với mặt cắt là các hình đa giác. Đây cũng là một trong những Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận.
Nguồn theo: Dantri